Bệnh lý viêm bờ mi

Xem nhanh
VIÊM BỜ MI MẮT LÀ GÌ?
Viêm bờ mi mắt là tình trạng viêm biểu bì của của mi mắt ,ảnh hưởng đến mi mắt, với các triệu chứng như chảy nước mắt, đỏ mắt, cảm giác có sạn ở bên trong mắt. Mi mắt ngứa, sưng đỏ.
Viêm bờ mi mắt có nhiều nguyên nhân như : dị ứng, cơ địa, do nhiễm khuẩn,... Trong đó hay gặp nhất là viêm bờ mi mắt do tụ cầu,do nấm ...


PHÂN LOẠI VIÊM BỜ MI MẮT
Dựa và vị trí và nguyên nhân, có thể phân loại viêm bờ mi mắt như sau:
 ● Viêm bờ mi sau: Đây là trường hợp phổ biến, được đặc trưng bởi tình trạng viêm phần bên trong của mi mắt ở các tuyến meibomian

- Các tuyến Meibomian là các tuyến bã nhờn nằm trong các tấm sụn mi của mí mắt, chịu trách nhiệm tiết ra lớp dầu của màng nước mắt. Lớp dầu này ngăn cản sự bay hơi của nước mắt, làm giảm sức căng bề mặt của lớp nước mắt, tạo điều kiện cho nước mắt lan rộng. Nó rất quan trọng cho việc bôi trơn mắt bình thường. Tăng sừng hóa của biểu mô ống tuyến meibomian là biểu hiện bệnh sớm ở những  người bệnh bị viêm bờ mi sau. Thành phần lipid bị thay đổi trong tuyến tiết dẫn đến sự mất ổn định của màng nước mắt. Các chất tiết bất thường cũng gây hại trực tiếp trên bề mặt mắt. Ngoài ra, thành phần lipid bị thay đổi sẽ thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn, điều này kéo dài sự bất thường của tuyến meibomian. Tình trạng viêm nhiễm lâu ngày dẫn đến rối loạn chức năng tuyến và xơ hóa cũng như gây tổn thương cho mí mắt và bề mặt nhãn cầu. 
- Các vi khuẩn ở mi mắt và kết mạc trong viêm bờ mi sau cũng giống như vi khuẩn trên da bình thường nhưng có số lượng nhiều hơn. Chúng bao gồm tụ cầu âm tính với coagulase, các loài Corynebacterium, và Cutibacterium acnes. Các vi khuẩn tiết ra Lipase làm thay đổi thành phần lipid trong màng nước mắt ở người bệnh viêm bờ mi. Demodex brevis là một loại ký sinh trùng được tìm thầy ở người bị viêm bờ mi được xác định là có liên quan đến bệnh viêm bờ mi sau. 

- Các trường hợp viêm da mãn tính như bệnh trứng cá đỏ và viêm da tiết bã có thể gây ra viêm bờ mi sau. Viêm bờ mi ở những người bị bệnh da liễu mãn tính thường có xu hướng nặng hơn. Nhiễm trùng mãn tính cũng có thể đóng một vai trò trong viêm bờ mi sau, mặc dù nó ít được nghiên cứu hơn so với viêm bờ mi trước.


● Viêm bờ mi trước: ít phổ biến hơn, được đặc trưng bởi tình trạng viêm ở gốc của lông mi.
- Bệnh lý của viêm bờ mi trước vẫn chưa được hiểu rõ, mặc dù vi khuẩn tụ cầu ở bờ mi có vai trò nhất định trong một số trường hợp.
- Bệnh nhân bị viêm bờ mi trước thường là nữ và có xu hướng trẻ hơn những người bị viêm bờ mi sau.

- Viêm bờ mi trước có thể được phân loại thêm thành loại tụ cầu hoặc loại tiết bã: 

* Loại tụ cầu: Staphylococcus aureus và tụ cầu âm tính với coagulase được xem là nguyên nhân gây bệnh, chúng có thể làm thay đổi sự bài tiết của tuyến meibomian và gây ra viêm bờ mi thông qua nhiều cơ chế khác nhau, bao gồm nhiễm trùng trực tiếp mi mắt, sản xuất ngoại độc tố của staphylococcal và gây ra phản ứng dị ứng. 

* Loại tiết bã: đặc trưng bởi những thay đổi trên da giống như gàu và vảy nhờn xung quanh gốc của mí mắt. 
Các nguyên nhân khác có thể gây ra viêm bờ mi bao gồm viêm da do tiếp xúc (dị ứng), bệnh chàm và bệnh vẩy nến:

- Viêm bờ mi do tiếp xúc là một phản ứng viêm cấp tính của da mí mắt, thường xảy ra như một phản ứng với chất gây kích ứng như mỹ phẩm, hóa chất…. 

Các yếu tố có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm bờ mi bao gồm viêm kết mạc dị ứng, hút thuốc lá, sử dụng kính áp tròng và sử dụng retinoid (dẫn xuất của vitamin A).

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG CỦA BỆNH VIÊM BỜ MI

Bệnh nhân bị viêm bờ mi thường có các triệu chứng mãn tính tái phát, có thể thay đổi theo thời gian, liên quan đến cả hai mắt. Bao gồm:
● Mí mắt đỏ, sung, ngứa 
● Có sạn hoặc cảm giác nóng rát 
● Đỏ mắt
● Chảy nước mắt nhiều (dấu hiệu của bệnh khô mắt) 
● Đóng vảy và rụng lông mi vào buổi sáng 
● Da mí mắt bị bong tróc hoặc đóng vảy 
● Nhạy cảm ánh sáng 
● Nhìn mờ



 
- Bệnh khô mắt là một biến chứng thường gặp của viêm bờ mi, xảy ra ở 25 đến 40 % người bệnh.
- Viêm bờ mi thường gặp ở người lớn hơn trẻ em và tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi.
- Viêm bờ mi liên quan đến sự xâm nhập của Demodex biểu hiện đặc trưng với gàu hình trụ hoặc “tay áo” trên lông mi.
- Viêm bờ mi do tiếp xúc (dị ứng) với chất gây kích ứng (ví dụ: mỹ phẩm) biểu hiện với mí mắt đỏ, sưng và ngứa xảy ra sau khi tiếp xúc.
- Các triệu chứng của tình trạng da viêm mãn tính liên quan cũng có thể được ghi nhận (ví dụ, mặt đỏ hoặc ửng đỏ gợi ý bệnh trứng cá đỏ; da ngứa và bong tróc liên quan đến da đầu, tai ngoài, mặt giữa hoặc thân gợi ý viêm da tiết bã nhờn).

CHẨN ĐOÀN PHÂN BIỆT

Viêm bờ mi cần phân biệt với những bệnh gì?
Viêm bờ mi cần được phân biệt với các tình trạng sưng đỏ và khó chịu ở mí mắt khác dựa trên tiền sử và thăm khám: 

● Viêm kết mạc: có thể là bệnh nhiễm trùng, dị ứng hoặc nhiễm độc, được đặc trưng bởi ban đỏ ở mắt (chứ không phải mí mắt) và xuất hiện dịch trong hoặc mủ. Thị lực bình thường và không có bằng chứng về các nguyên nhân khác gây ra “mắt đỏ” (ví dụ: viêm giác mạc, viêm mống mắt).

● Lẹo: là một bệnh nhiễm trùng cấp tính tuyến chân lông mi, biểu hiện như một vết sưng tấy đỏ trên mí mắt. Nó có thể được kết hợp với viêm bờ mi vì sự tiết dầu bất thường chặn các tuyến chân lông mi gây nhiễm trùng lần thứ hai. Điều trị bằng cách vệ sinh và chườm ấm 4 lần/ngày. 


● Chắp: là một vết sưng cứng không đau trên mí mắt, biểu hiện tình trạng viêm tuyến dầu mãn tính của mí mắt. Nó là kết quả của phản ứng viêm u hạt với thành phần lipid của tuyến bờ mi bị tắc. Điều trị bằng cách chườm ấm 4 lần/ngày. Nếu các triệu chứng không đáp ứng sau vài tuần, có thể tiến hành rạch và nạo hoặc tiêm glucocorticoid trong da.

● U ác tính ở mí mắt: Cần nghi ngờ một khối u ác tính của da mi (ung thư biểu mô tuyến bã) ở một bệnh nhân bị viêm mí mắt một bên dai dẳng. Các triệu chứng khác của bệnh ác tính bao gồm một khối u loét, sẹo rộng hoặc các nốt kết mạc bị viêm. Bệnh ác tính ở mi mắt nên được xem xét ở những bệnh nhân bị viêm bờ mi một bên không đáp ứng với điều trị. Chẩn đoán nó được xác nhận với sinh thiết.

ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM BỜ MI NHƯ THẾ NÀO?

 Vệ sinh bờ mi tốt là cách điều trị chính cho tất cả các dạng viêm bờ mi. Mục đích là để giảm bớt các triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. 

- Người bệnh có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình thường có thể chỉ điều trị triệu chứng, bao gồm chườm ấm, mát xa bờ mi, vệ sinh mi mắt và nhỏ nước mắt nhân tạo

- Người bệnh có các triệu chứng nặng hoặc khó chữa có thể phải dùng kháng sinh tại chỗ hoặc uống, glucocorticoid tại chỗ hoặc cyclosporin tại chỗ. 

- Tất cả người bệnh nên được khuyên loại bỏ hoặc hạn chế các yếu tố nguy cơ làm trầm trọng thêm bệnh (ví dụ: chất gây dị ứng, hút thuốc lá, đeo kính áp tròng). Có thể tiếp tục đeo kính áp tròng nếu cảm thấy thoải mái nhưng nên thay mới kính. Việc điều trị viêm bờ mi do tiếp xúc (dị ứng) cần loại bỏ tác nhân dị ứng (ví dụ: mỹ phẩm). Người bệnh sử dụng mỹ phẩm nên cẩn thận tẩy trang vào ban đêm, làm sạch các dụng cụ bôi và tránh các sản phẩm cũ hoặc hết hạn sử dụng. 

- Viêm bờ mi liên quan đến sự xâm nhập của loài Demodex có thể được điều trị bằng Ivermectin uống (200 mg / kg với một liều duy nhất và lặp lại một lần trong 1 tuần), tẩy tế bào chết mí mắt bằng dầu từ cây trà hoặc dầu gội từ cây trà (dùng hàng ngày trong 6 tuần).


TÓM TẮT BỆNH LÝ VIÊM BỜ MI

- Viêm bờ mi là một bệnh lý nhãn khoa mãn tính phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng viêm mí mắt kèm theo kích ứng mắt.

- Nguyên nhân và sinh lý bệnh của viêm bờ mi có phần khác nhau dựa trên phân loại (viêm bờ mi sau và trước). Tuy nhiên, có sự chồng chéo giữa các loại này. 

- Bệnh nhân bị viêm bờ mi thường có các triệu chứng kích ứng mãn tính ở cả hai mắt bao gồm: mí mắt đỏ, sưng hoặc ngứa; sạn hoặc cảm giác nóng bỏng; đỏ mắt; chảy nước mắt nhiều (dấu hiệu kết hợp của bệnh khô mắt); đóng vảy hoặc rụng lông mi vào buổi sáng; bong tróc hoặc đóng vảy da mí mắt; nhạy sáng; và mờ mắt. Viền mí mắt thường ửng đỏ hoặc bị kích ứng.

- Chẩn đoán phân biệt đối với bệnh viêm bờ mi bao gồm các tình trạng khác liên quan đến sưng đỏ và khó chịu ở mí mắt như viêm kết mạc, lẹo, chắp và bệnh ác tính mí mắt dựa vào tiền sử và thăm khám. 

- Vệ sinh mi mắt là phương pháp điều trị chính cho tất cả các dạng viêm bờ mi kết hợp với loại bỏ hoặc hạn chế các yếu tố làm bệnh trầm trọng thêm như chất gây dị ứng, mỹ phẩm, hóa chất, hút thuốc lá, đeo kính áp tròng. Mục đích là để giảm bớt các triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Viêm bờ mi là một bệnh lý mãn tính cần được theo dõi lâu dài. 

- Mức độ điều trị khác nhau dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân:

+ Các triệu chứng nhẹ đến trung bình: xử trí bằng chườm ấm, mát xa và vệ sinh mi mắt. Có thể nhỏ nước mắt nhân tạo bổ sung để điều trị tình trạng khô mắt do viêm bờ mi. 

+ Đối với những bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng: sử dụng liệu pháp kháng sinh tại chỗ hoặc đường uống ngoài kết hợp chỉ định glucocorticoid tại chỗ hoặc cyclosporin. Các liệu pháp này chỉ nên được kê đơn hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ nhãn khoa

 

Tài liệu tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/blepharitis/symptoms-causes/syc-20370141

https://www.nhs.uk/conditions/blepharitis/

https://www.aoa.org/patients-and-public/eye-and-vision-problems/glossary-of-eye-and-vision-conditions/blepharitis

https://nei.nih.gov/health/blepharitis/blepharitis