Bệnh lý khô mắt

Xem nhanh
 

KHÔ MẮT – NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ

Hiện nay, khô mắt đang là căn bệnh phổ biến, đặc biệt với những người có thời gian ngồi trước màn hình máy tính thường xuyên, trong thời gian dài. Thống kê cho thấy, nước ta có khoảng 4 đến 8 triệu người bị bệnh khô mắt ở các mức độ khác nhau.

Khô mắt mặc dù không phải căn bệnh nguy hiểm nhưng sẽ để lại nhiều hệ quả về sức khỏe như: mệt mỏi; mắt đỏ, rát; giảm năng suất làm việc. Trong một số trường hợp người bị mắc bệnh khô mắt có thể bị giảm thị lực, nhìn mọi thứ trở nên lờ mờ sau khi chớp mắt; bị chảy nước mắt liên tục.

  1. Nguyên nhân bệnh Khô mắt

Nguyên nhân của bệnh khô mắt là do mất cân bằng khả năng tiết và thoát nước. Với các nguyên nhân cụ thể sau:

  • Số lượng nước mắt tiết ra không đủ phục vụ cho hoạt động của mắt. Các tuyến lệ trong và quanh mi mắt bị giảm dần chức năng tiết nước làm ướt mắt. Ngoài ra, cũng do gió, thời tiết và môi trường làm khô mắt, mỏi mắt, tốc độ bay hơi của nước mắt cao dẫn đến tình trạng khô mắt.
  • Chất lượng nước mắt không tốt: các lớp mỡ, lớp nước và lớp nhầy của mắt không làm tròn chức năng bảo vệ nhãn cầu khỏi các yếu tố bên ngoài. Nước trong mắt bị bốc hơi quá nhanh hoặc nước không thể dàn phẳng trên bề mặt làm cho mắt bị khô. Ngoài ra cũng có một số bệnh làm cho mắt dễ bị khô như: viêm bờ mi, trứng cá đỏ làm ngăn cản lớp nhầy sản xuất nước.
  1. Triệu chứng bệnh Khô mắt

Bệnh khô mắt được biểu hiện bởi các triệu chứng bệnh sau:

  • Cảm giác ngứa, bỏng rát, cộm, co kéo, như có dị vật trong mắt và sợ ánh sáng.
  • Cảm thấy đau nhói, căng; mỏi mắt; nhìn mờ. 
  • Nước mắt chảy giàn giụa khi bị kích ứng

Các triệu chứng giảm nhẹ trong môi trường mát mẻ, mưa, độ ẩm cao… Tình trạng nhìn mờ tái đi tái lại, kéo dài, kèm theo kích thích… gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, hiếm khi có tổn hại thị lực vĩnh viễn.

  • Tình trạng khô mắt giảm tiết, kết mạc có thể khô và mất bóng với nhiều nếp gấp. 
  • Tình trạng khô mắt bay hơi sẽ khiến nước mắt dư, tạo thành kết cấu dạng bọt, bám ở bờ mi. 
  • Tình trạng khô mắt nặng, tiến triển mạn tính (hiếm gặp) có thể gây mất thị lực trầm trọng do biểu mô hóa bề mặt nhãn cầu hay mất biểu mô giác mạc; Các hậu quả khác có thể xảy ra như sẹo, tân mạch, nhiễm trùng, loét và thủng giác mạc.
  1. Đối tượng nguy cơ bệnh Khô mắt

Những người có nguy cơ bị mắc bệnh khô mắt như sau:

  • Về tuổi tác: phần lớn những người lớn trên 65 tuổi do quá trình lão hóa tự nhiên sẽ có các triệu chứng của khô mắt.
  • Về giới tính: Những người là nữ giới do thay đổi hormone sau khi mang thai hoặc dùng thuốc tránh thai, ở thời kỳ mãn kinh sẽ có khả năng bị khô mắt cao hơn.
  • Những người có tiền sử sử dụng thuốc: Những người có tiền sử sử dụng thuốc kháng histamine, thuốc chống viêm, thuốc chống tăng huyết áp và thuốc giảm đau hoặc thuốc nhỏ mắt mà chưa có chỉ định của bác sĩ sẽ có khả năng cao bị khô mắt.
  • Những người bị mắc các bệnh lý toàn thân hoặc bệnh lý về tai mắt: Những người có tiền sử mắc các bệnh viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường, tổn thương tuyến giáp, viêm nhiễm của mi mắt, bề mặt nhãn cầu hoặc những bất thường của mi mắt sẽ có nguy cơ cao bị khô mắt.
  • Những người sống và làm việc trong các môi trường như: tiếp xúc với thuốc lá, gió, thời tiết hanh khô, làm việc với máy tính trong thời gian dài sẽ có nguy cơ bị khô mắt cao.
  1. Phòng ngừa bệnh Khô mắt

Để phòng ngừa bệnh khô mắt, cần phòng tránh các tác nhân, nguy cơ gây bệnh như sau:

· Hãy nhớ nháy mắt thường xuyên khi đọc sách hoặc sử dụng máy tính trong thời gian dài.

· Làm tăng độ ẩm không khí tại nhà và nơi làm việc.

· Sử dụng kính bảo hộ khi đi ra ngoài để làm giảm tác hại của nắng và gió tác động lên vùng mắt.

· Sử dụng các vitamin tự nhiên có thể làm giảm các triệu chứng khô mắt. Và hãy hỏi tham khảo bác sĩ nhãn khoa về các thức ăn có thể làm giảm khô mắt.

· Uống nhiều nước mỗi ngày (2 lít nước mỗi ngày).

  1. Các biện pháp điều trị bệnh Khô mắt

- Bệnh khô mắt là một trong những bệnh mạn tính khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Chính vì vậy cách điều trị tối ưu nhất là giữ có đôi mắt khỏe mạnh, dễ chịu và duy trì được thể lực tốt với các phương pháp như: bổ sung nước mắt nhân tạo, duy trì phim nước mắt trên bề mặt nhãn cầu làm tăng tiết nước mắt, điều trị viêm của mi mắt và bề mặt nhãn cầu.


- Ngoài ra có thể sử dụng một số phương pháp giúp duy trì nước mắt dàn đều, làm ấm giác mạc như: tập thói quen chớp mắt chậm và đều (12-18 lần/phút), tránh tiếp xúc với bụi và ánh sáng mạnh; tránh để gió thổi trực tiếp vào mắt; thường xuyên nhỏ nước mắt nhân tạo để tránh khô mắt; có một chế độ dinh dưỡng hợp lý thường xuyên bổ sung các thức ăn chứa Omega-3 và Beta-Carotene, tăng cường chất chống oxy hóa giúp tăng sức khỏe cho đôi mắt.